Hoàng hậu Đại Thanh Hiếu_Hiền_Thuần_hoàng_hậu

Bảo vương Đích phúc tấn

Năm Ung Chính thứ 5 (1727), mùa xuân, Phú Sát thị 16 tuổi tham gia Bát Kỳ tuyển tú, được chỉ định làm Đích Phúc tấn của Hoàng tứ tử Hoằng Lịch.

Cuộc Bát Kỳ tuyển tú thời nhà Thanh, là chọn các Tú nữ thuộc [Kỳ phân Tá lĩnh] trong Bát kỳ của Mãn Châu, Mông Cổ cùng Hán Quân dự tuyển, cuộc tuyển chọn này nhằm lựa chọn hôn phối cho thành viên hoàng thất, thứ đến là làm hậu cung tần phi. Sau khi quan sát tỉ mỉ quá trình tuyển chọn Bát Kỳ tú nữ trong nhiều tháng, cuối cùng Ung Chính Đế nhìn ra Phú Sát thị đoan trang tú mỹ văn tĩnh thiếu nữ, quyết định chỉ hôn cho Tứ a ca Hoằng Lịch. Vị thế của gia tộc Phú Sát thị là rất lớn, bởi vì đây là dòng họ thuộc Mãn Châu Tương Hoàng kỳ, là kỳ tịch gốc của hoàng thất do đích thân Hoàng đế quản lý. Việc làm này của Ung Chính Đế không chỉ ngầm khẳng định vị trí Hoàng đế tương lai của Hoằng Lịch, mà còn ngầm nhìn thấy Phú Sát thị có sẵn tố chất mẫu nghi thiên hạ.

Ngày 18 tháng 7 (âm lịch) cùng năm, tại Tây Nhị sở của Tử Cấm Thành (về sau Càn Long Đế đổi gọi Trùng Hoa cung), Ung Chính Đế đã tổ chức một hôn lễ long trọng, gả Phú Sát thị cho Tứ a ca Hoằng Lịch, nghiễm nhiên bà có được vị trí Đích Phúc tấn của Hoàng tứ tử. Sau khi kết hôn, Hoằng Lịch và Phú Sát thị tôn trọng nhau, tình cảm chân thành, thập phần ân ái. Năm Ung Chính thứ 6 (1728), ngày 2 tháng 10, bà sinh hạ Hoàng trưởng nữ. Năm thứ 8 (1730), ngày 26 tháng 6, giờ Thân, Phú Sát thị hạ sinh Vĩnh Liễn. Cùng năm ấy, ngày 27 tháng 12, Hoàng trưởng nữ - con gái đầu lòng của bà qua đời. Năm thứ 9 (1731), ngày 24 tháng 5, Phú Sát thị sinh hạ Cố Luân Hòa Kính công chúa.

Năm Ung Chính thứ 11 (1733), Hoàng tứ tử Hoằng Lịch thụ tước [Hòa Thạc Bảo Thân vương; 和碩寶親王], Phúc tấn Phú Sát thị do vậy từ [Hoàng tứ tử Đích Phúc tấn] trở thành [Bảo Thân vương Đích Phúc tấn; 宝亲王嫡福晋].

Lập vị Hoàng hậu

Năm Ung Chính thứ 13 (1735), 23 tháng 8 (âm lịch), Ung Chính Đế băng hà. Ngày 3 tháng 9 (âm lịch), Bảo Thân vương Hoằng Lịch nối ngôi, tức [Càn Long Đế]. Cùng ngày hôm đó, Hoàng đế tấn tôn Hi phi Nữu Hỗ Lộc thị làm Hoàng thái hậu, và sách lập Đích phúc tấn Phú Sát thị làm Hoàng hậu. Tuy nhiên lúc đó Càn Long Đế đang thủ tang, phải đợi khi mãn tang Tiên đế thì mới cử hành đại lễ tấn phong.

Sang ngày 8 tháng 12 (âm lịch) cùng năm, chỉ dụ chuẩn bị làm đại điển tấn lập Hoàng hậu[3]. Chỉ dụ nói:

  • [谕礼部、钦奉皇太后懿旨。伦常攸重。肇始坤元。风化由基。恒资内辅。礼昭王制。聿隆褕翟之仪。诗首关睢。爰启肃雝之治。典至钜也。皇帝嫡妃富察氏、恭淑性成。柔嘉素著。宫廷视膳。笃敬顺以承欢。壸掖传徽。昭俭勤而宣教。动符礼度。化洽贤慈。宜正位于中宫。用光襄夫宸极。应立为皇后。以崇内治。以裕嘉祥。钦此。朕祇遵慈命。立嫡妃富察氏为皇后。应行典礼。尔部详察具奏。]
  • Dụ Lễ bộ. Khâm phụng Hoàng thái hậu ý chỉ. Luân thường tối trọng, căn cơ nền tảng là nguyên lý của quẻ Khôn. Phong hóa căn bản của sự vật, tất đều liên hệ đến nội phụ. Lễ làm sáng ngời Vương chế, ấy là làm vẻ vang khuôn mẫu của người mặc Du Địch. Bài thơ Quan thư ở đầu Kinh Thi, ấy là ca ngợi vẻ chỉnh tề hài hòa của bậc hiền phụ. Điển chí to lớn qua trọng như thế đấy. Nay, Đích phi Phú Sát thị của Hoàng đế, bổn tính cung thục, nhu gia rạng rỡ, khắp cung đình đều noi theo gương tốt, kiên trì kính thuận để ta vui lòng. Đức tốt lưu truyền, khiêm hòa tuyên giáo. Thường luôn lễ độ, hành sự hiền từ. Xét đáng chính vị Trung cung, để làm rường cột chốn nội đình. Ứng lập làm Hoàng hậu, để bao trọn nội trị, cũng để đức khoan dung làm biểu suất gia tường. Khâm thử. Trẫm nay tuân theo từ mệnh, lập Đích phi phú Sát thị làm Hoàng hậu. Các điển lễ nên thi hành, các khanh bàn bạc rồi báo lại cho Trẫm nghe.

Năm Càn Long thứ 2 (1737), ngày 4 tháng 12, lấy Bảo Hòa điện Đại học sĩ Ngạc Nhĩ Thái làm Chính sứ, Hộ bộ Thượng thư Hải Vọng (海望) làm Phó sứ, cầm cờ tiết, sách bảo, tiến hành nghi thức đại điển tấn lập Hoàng hậu[4]. Chiếu cáo thiên hạ[5].

Sách văn viết:

Hoàng hậu Phú Sát thị.

朕闻乾坤定位。爰成覆载之能。日月得天。聿衍升恒之象。惟内治乃人伦之本。而徽音实王化所基。茂典式循。彝章斯举。咨尔嫡妃富察氏、钟祥勋族。秉教名宗。当亲迎之初年。礼成渭涘。膺嫡妃之正选。誉蔼河洲。温恭娴图史之规。敬顺协珩璜之度。承欢致孝。问安交儆于鸡鸣。逮下流恩。毓庆茂昭于麟趾。允赖宜家之助。当隆正位之仪。兹奉崇庆皇太后慈命。以金册金宝。立尔为皇后。尔其祗承懿训。表正壸仪。奉长乐之春晖。勖夏凊冬温之节。布坤宁之雅化。赞宵衣旰食之勤。恭俭以率六宫。仁惠以膺多福。螽斯樛木。和风溥被于闺闱。茧馆鞠衣。德教覃敷于海宇。永绥天禄。懋迓鸿禧。钦哉。

.

Trẫm văn Càn Khôn định vị. Viên thành phúc tái chi năng. Nhật nguyệt đắc thiên. Duật diễn thăng hằng chi tượng. Duy nội trị nãi nhân luân chi bổn. Nhi huy âm thật vương hóa sở cơ. Mậu điển thức tuần. Di chương tư cử.

Tư nhĩ Đích phi Phú Sát thị, chung tường huân tộc. Bỉnh giáo danh tông. Đương thân nghênh chi sơ niên. Lễ thành vị sĩ. Ưng đích phi chi chính tuyển. Dự ái hà châu. Ôn cung nhàn đồ sử chi quy. Kính thuận hiệp hành hoàng chi độ. Thừa hoan trí hiếu. Vấn an giao cảnh vu kê minh. Đãi hạ lưu ân. Dục khánh mậu chiêu vu lân chỉ. Duẫn lại nghi gia chi trợ. Đương long chính vị chi nghi.

Tư phụng Sùng Khánh Hoàng thái hậu từ mệnh. Dĩ kim sách kim bảo, lập nhĩ vi Hoàng hậu.

Nhĩ kỳ chi thừa ý huấn. Biểu chính khổn nghi. Phụng trường nhạc chi xuân huy. Úc hạ sảnh đông ôn chi tiết. Bố khôn ninh chi nhã hóa. Tán tiêu y cán thực chi cần. Cung kiệm dĩ suất lục cung. Nhân huệ dĩ ưng đa phúc. Chung tư cù mộc. Hòa phong phổ bị vu khuê vi. Kiển quán cúc y. Đức giáo đàm phu vu hải vũ. Vĩnh tuy thiên lộc. Mậu nhạ hồng hi. Khâm tai.

— Sách văn tấn lập Đích phi Phú Sát thị làm Hoàng hậu

Gia ân khoản đãi

Nơi mà Phú Sát Hoàng hậu cư ngụ chính là một trong Tây lục cung, Trường Xuân cung. Khi còn là Hoàng tử, Càn Long Đế từng được Ung Chính Đế ban cho phong hiệu [Trường Xuân cư sĩ; 長春居士]. Về sau khi lên ngôi, Càn Long Đế lại ban Trường Xuân cung cho Hoàng hậu, tại Viên Minh Viên lại ban Trường Xuân tiên quán (長春仙馆). Đem vị hào khi còn trẻ của chính mình làm nơi ở cho thê tử, cho thấy tình cảm nồng hậu của ông đối với bà.

Suốt thời tại vị, bà được biết đến là người thục đức có uy tín và luôn hoàn thành tốt cương vị Hoàng hậu của mình. Bên cạnh đó, sử sách ghi lại bà hành xử đoan trang và giản dị, chi tiêu trong cung đều giản lược, thích cài trang sức được gọi là [Thông thảo Nhung hoa; 通草絨花][6] thay cho các trang sức đắt tiền như châu thúy[7]. Như trang sức ["Hà bao"; 荷包] mà Càn Long Đế dùng bên mình, Phú Sát thị chủ động làm ra mà không dùng kim ngân ti tuyến, mà lại dùng da hươu để tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, Hoàng hậu Phú Sát thị còn nổi tiếng đối xử hòa nhã với các phi tần trong hậu cung.

Trong khi đó, gia đình của bà liên tiếp được trọng dụng, cha là Lý Vinh Bảo được truy tước vị [Nhất đẳng Thừa Ân công; 一等承恩公] (Lý Vinh Bảo mất ngay năm 1723). Anh em con cháu trong họ Phú Sát thị được cất nhắc đặc biệt, đặc biệt là em trai út của bà, Đại học sĩ Phó Hằng cùng người con trai của ông là Phúc Khang An, đã khiến gia tộc Phú Sát thị đạt đến vinh quang trong suốt thời đại Càn Long. Gia ân hậu đãi, không thể không gia ân tước vị. Gia đình bà có được 8 tước thế chức truyền đời, dành cho hậu duệ của Lý Vinh Bảo. Từ triều Gia Khánh bắt đầu, hậu duệ Lý Vinh Bảo có 8 thế gia phân nhánh, phân biệt là:

  • [Thừa Ân công; 承恩公]: sau khi Lý Vinh Bảo chết, truyền cho con thứ 4 Phó Văn, rồi lại dành cho con trai thứ 6 là Phó Ngọc;
  • [Gia Dũng Trung Duệ công; 嘉勇忠锐公]: tước vị con cháu Phúc Khang An;
  • [Thành Gia Nghị Dũng công; 诚嘉毅勇公]: dành cho Minh Thụy - con trai của Phó Văn;
  • [Trung Dũng công; 忠勇公]: dành cho Phúc Long An (福隆安), chồng của Hòa Thạc Hòa Gia công chúa và là con trai thứ hai của Phó Hằng;
  • [Tương Dũng hầu; 襄勇侯]: dành cho Minh Lượng (明亮) - con trai của Quảng Thành, anh cả của Phú Sát Hoàng hậu;
  • [Nhất đẳng Tử; 一等子]: dành cho hậu duệ của Phó Thanh;
  • [Nhất đẳng Nam; 一等男]: dành cho Khuê Lâm (奎林) - con cả của Phó Văn;
  • [Vân Kỵ úy; 云骑尉]: dành cho Phúc Linh An (福灵安) - con cả của Phó Hằng.

Như vậy, một chi gia tộc Phú Sát thị của Lý Vinh Bảo về sau cũng chia ra từ các tước thế tập này mà hình thành thêm 8 chi đại gia khác nữa, sự vinh diệu này, dù là do Hoàng hậu Phú Sát thị được sủng ái, cũng chưa từng thấy qua trong các dòng dõi ngoại thích khác của triều Thanh. Ngay cả em rể của Hoàng hậu là Tát Lạt Thiện (薩喇善), từ một Tông thất Thị vệ nhỏ nhoi, do là anh em cột chèo với Hoàng đế mà nâng lên làm quan to, Phó đô thống, Cát Lâm Tướng quân, lại còn gia thêm thế chức [Vân kỵ úy] cho hậu duệ. Ngoài ra, hai cháu gái của bà, con gái của Thừa Ân công Phó Văn, lần lượt gả cho Dự Lương Thân vương Tu Linh và Thuận Thừa Cung Quận vương Thái Phỉ Anh A làm Đích Phúc tấn, cả hai vị này đều là Thiết mạo tử vương. Một cháu gái, con của Phó Khiêm, về sau làm Đích Phúc tấn của Lục a ca Vĩnh Dung - con trai thứ 6 của Càn Long Đế.

Nỗi đau mất con

Năm Càn Long thứ 3 (1738), ngày 12 tháng 10, giờ Tỵ, Hoàng nhị tử Vĩnh Liễn qua đời khi mới 8 tuổi. Đế - Hậu bi thương vô hạn, đặc biệt là Phú Sát Hoàng hậu đã chịu đả kích lớn. Càn Long Đế 5 ngày không thiết triều. Quá thương con, Càn Long Đế cử hành lễ tang Vĩnh Liễn, phong làm Hoàng thái tử, thụy Đoan Tuệ Thái tử (端慧太子), lại ra chỉ kị húy chữ Liễn trong tên của Hoàng tử.

Năm Càn Long thứ 11 (1746), ngày 27 tháng 5, tức ngày Phật đản (8 tháng 4 âm lịch), bà sinh ra con trai thứ 7 của Càn Long Đế, tức Vĩnh Tông. Trước đó, nghe tin bà mang thai, Càn Long Đế phá bỏ lệ thường hay du ngoạn Viên Minh Viên đón tết Nguyên tiêu, mà ở lại Tử Cấm Thành bầu bạn với mẹ con bà. Hoàng hậu sinh hạ Hoàng thất tử, cùng ngày gặp mưa sau nhiều tháng hạn hán kéo dài, Càn Long Đế vốn hết lòng tin theo Phật giáo đã thập phần vui sướng, lần cảm thán thiên ân chiếu cố.

Hoàng thất tử nhỏ tuổi mà đĩnh ngộ xuất chúng khiến Càn Long Đế yêu thương tha thiết, tên [Vĩnh Tông] của Hoàng tử chính là ngầm ý là người trở thành Trữ quân tương lai. Tuy rằng lúc này Càn Long Đế đã có vài đứa con trai, nhưng ông đối với Hoàng thất tử vẫn cứ yêu như trân bảo, cảm thấy đứa nhỏ này là đứa con xinh đẹp nhất và đáng yêu nhất, “Tính thành túc tuệ, kỳ nghi biểu dị, xuất từ chính đích, thông minh thù thường.”[8]. Thế nhưng Hoàng tử không may yểu mệnh vào năm thứ 12, ngày 29 tháng 12 (âm lịch) khi chưa đầy 1 tuổi. Ban thụy Điệu Mẫn (悼敏). Đây là đặc biệt truy tặng đáng chú ý, vì Hoàng tử chết yểu nhà Thanh thường không được truy phong dù là con trai của Hoàng hậu đi nữa, như con trai lớn Thừa Hỗ của Hiếu Thành Nhân Hoàng hậu là ví dụ.

Cái chết lần lượt của hai người con gây tổn thương nghiêm trọng cho Hoàng hậu, dù Càn Long Đế đã hết sức thông cảm và an ủi bà. Từ khi đó, Hoàng hậu luôn thường có bệnh, Càn Long Đế thường đến điện án cầu phúc, cầu xin Liệt tổ liệt tông phù hộ Hoàng hậu sớm khỏi bệnh, lại sinh hạ Đích tử. Không lâu sau cái chết của Thất hoàng tử, Hoàng hậu qua đời để lại niềm tiếc thương vô hạn cho Càn Long Đế. Sách Kim Xuyên kỉ lược (金川纪略), ghi lại rằng lời đồn trong cung, từ khi Phú Sát hoàng hậu mất đi Hoàng thất tử, thương tiếc thành tật, bà nói cho Càn Long Đế rằng đêm nào cũng mơ thấy Bích Hà Nguyên quân, triệu hoán bà, bà đã ưng thuận tâm nguyện, sau khi khỏi bệnh sẽ hướng đến Thái Sơn tạ thần. Hoàng đế học thức uyên bác, biết Bích Hà Nguyên quân vốn là Thần nữ ở núi Thái Sơn, bèn đáp ứng yêu cầu của Hoàng hậu.

Liên quan